Tôi chắc chắn mình chưa bao giờ là một người hâm mộ của loại bánh này. Với tôi, bánh kem là một thứ nhìn thì bắt mắt nhưng ăn thì chán ngắt. Không bao giờ tôi dám ăn 1 góc 8 của một chiếc bánh cỡ trung, nó khiến tôi ngán tận cổ, đặc biệt là phần kem béo ngậy. Không phải vì là con trai, những kẻ vốn dĩ không mê đồ ngọt, mà tôi “chê”, chứ thật sự là…vậy đó. Nhưng tôi vốn dĩ là người công bằng trong mọi vấn đề, có chê thì cũng có khen, chân thành mà nói thì bánh kem không hề tệ, dạo này phần kem được làm bằng sữa tươi nên ăn không bị ngấy, nhân bánh cũng phong phú hơn với đủ loại trái cây. Ăn nhiều hiển nhiên ai mà không ngán, nhưng thỉnh thoảng mà nhấm nháp một miếng thì cũng ngon đấy chứ. Nhiều người nhìn tôi gầy gò thế này nên khuyên hãy ăn nhiều những thứ đại loại như bánh kem cho mập. Tôi thì tôi giơ tay hàng.
Tôi không hảo bánh kem là vậy nhưng lại từng gắn bó với nó một thời gian dài. Nó là công việc của tôi.
Bà ngoại của tôi vốn là một thợ bánh. Hàng ngày bà làm đủ thứ các loại bánh để chiều mang ra trước nhà bán, với nào là bánh bông lan, bánh da lợn, bánh bò, bánh tiêu… và tất nhiên là không thể thiếu bánh kem. Bên cạnh việc làm những chiếc bánh kem nhỏ nhỏ để bán hàng ngày, bà còn nhận đặt hàng làm bánh sinh nhật, bánh cưới cho các gia đình trong huyện.
Tôi rất thích xem bà làm bánh, đặc biệt là làm bánh kem. Tôi thích ngắm những ổ bánh sinh nhật dễ thương hay những chiếc bánh cưới hoành tráng 3-4 tầng. Tôi thích những bông hồng, những chiếc lá, những con sò, những loại kiểu trang trí bằng kem. Trong mắt một đứa bé, việc được nhìn thấy bà ngoại dùng kem nặn ra đủ thứ hình hài quả là kỳ diệu. Tôi có thể quanh quẩn bên cạnh bà suốt cả ngày cũng không chán. Những lúc như vậy, thỉnh thoảng tôi lại có thể thọt tay vào hủ kem để liếm vụng, đôi khi lấy các bịch nặn kem ra bắt chước, cũng pha màu, múc kem, tra chuôi nặn và nặn như bà. Tất nhiên là hoàn toàn xấu xí.
Tôi chính thức bắt tay vào công việc này khi dọn xuống ở nhà ngoại để gần trường năm vào cấp 2. Thay vì lâu lâu mới được thấy như trước đây, từ giờ bánh kem xuất hiện trước trong cuộc sống tôi thường trực hơn. Làm bánh kem có rất nhiều công đoạn, và công đoạn đầu tiên tôi chính thức được nhúng tay vào là bắt chữ (tức viết chữ trên bánh kem, vd: Happy Birthday…), công đoạn cuối cùng. Trước đó, việc này do cậu Thư, một người cậu họ của tôi, phụ trách. Tôi đã nhiều lần thấy cậu bắt chữ, nét chữ của cậu cực đẹp, có nét thanh nét đậm, uyển chuyển…khiến tôi hâm mộ vô cùng. Nhìn những nét chữ đẹp tuyệt bằng kem đỏ nổi bật trên nền kem trắng, tôi tự nhủ nếu là mình thì liệu có bắt được như vậy không? Thế rồi, thời gian trôi qua, cậu Thư cũng có cuộc sống gia đình và công việc riêng, bà ngoại không thể cứ hễ muốn là nhờ vả. Thế là tôi được chọn để thay thế cậu. Lúc đầu, tất nhiên là tôi đã bắt rất vụng về và xấu không thể chê vào đâu. Nhìn “tác phẩm” xấu xí của mình nằm án ngữ phần dễ thấy nhất trên chiếc bánh đẹp và nhớ về nét chữ của cậu Thư, tôi không tránh khỏi cảm giác xấu hổ… Tôi chắc mình không thể làm được công việc này. Tôi không biết ngoại nghĩ sao về những nét chữ của tôi, nhưng những chiếc bánh liên tiếp sau đó ngoại lại nhờ tôi. Mặc dù ngại lắm nhưng tôi không dám từ chối, ai mà lại dám không nghe lời người lớn chứ…
Sau một thời gian tập luyện, tôi lên tay thấy rõ. Khi những nét chữ dần trở nên mềm mại và đẹp mắt hơn, cũng là lúc cái tên của tôi thường được bà ngoại khoe khi có hàng xóm, bà con đến chơi. Bà luôn khoe chữ này là do thằng B nó làm, rồi người này người nọ khen khen tặng tặng mỗi lần như thế tôi mắc cỡ gần chết. Thời gian sau đó “danh tiếng” của tôi nổi như cồn trong thế giới bà con họ hàng như thể là đứa trẻ khéo tay dữ lắm. Có lẽ lúc đó với họ làm bánh kem là một việc rất khó, đòi hỏi sự khéo léo và tuyệt nhiên một đứa con nít 11 tuổi thì không thể nào làm được. Mặc khác, khi còn có thời gian bắt chữ, cậu Thư cũng đã 20 mấy tuổi, khoảng cách tuổi tác giữa hai cậu cháu chắc cũng là một trong số những yếu tố gây ngạc nhiên cho nhiều người. Thật ra, ngay cả khi tay nghề bắt chữ của tôi đã lên đến “đỉnh cao” tôi vẫn chưa bao giờ thấy mình làm đẹp bằng cậu ngày trước. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình viết chữ đẹp, ngay cả khi cầm bút chứ nói chi bắt chữ bằng kem, mắc dù cũng có nhiều người khen nét chữ của tôi. Trong số những chiếc bánh đã từng bắt chữ, chiếc bánh cưới của cậu Triều, cậu ruột của tôi, khiến tôi cảm thấy tự hào nhất, tôi tự hào đã góp chút công sức bé nhỏ vào lễ cưới trọng đại của cậu. Chiếc bánh được đặt trang trọng giữa nhà, nơi ai đi ra đi vào cũng thấy, và trên nó có lưu lại những nét chữ vụng về của tôi.
Sau một thời gian tập luyện, tôi lên tay thấy rõ. Khi những nét chữ dần trở nên mềm mại và đẹp mắt hơn, cũng là lúc cái tên của tôi thường được bà ngoại khoe khi có hàng xóm, bà con đến chơi. Bà luôn khoe chữ này là do thằng B nó làm, rồi người này người nọ khen khen tặng tặng mỗi lần như thế tôi mắc cỡ gần chết. Thời gian sau đó “danh tiếng” của tôi nổi như cồn trong thế giới bà con họ hàng như thể là đứa trẻ khéo tay dữ lắm. Có lẽ lúc đó với họ làm bánh kem là một việc rất khó, đòi hỏi sự khéo léo và tuyệt nhiên một đứa con nít 11 tuổi thì không thể nào làm được. Mặc khác, khi còn có thời gian bắt chữ, cậu Thư cũng đã 20 mấy tuổi, khoảng cách tuổi tác giữa hai cậu cháu chắc cũng là một trong số những yếu tố gây ngạc nhiên cho nhiều người. Thật ra, ngay cả khi tay nghề bắt chữ của tôi đã lên đến “đỉnh cao” tôi vẫn chưa bao giờ thấy mình làm đẹp bằng cậu ngày trước. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình viết chữ đẹp, ngay cả khi cầm bút chứ nói chi bắt chữ bằng kem, mắc dù cũng có nhiều người khen nét chữ của tôi. Trong số những chiếc bánh đã từng bắt chữ, chiếc bánh cưới của cậu Triều, cậu ruột của tôi, khiến tôi cảm thấy tự hào nhất, tôi tự hào đã góp chút công sức bé nhỏ vào lễ cưới trọng đại của cậu. Chiếc bánh được đặt trang trọng giữa nhà, nơi ai đi ra đi vào cũng thấy, và trên nó có lưu lại những nét chữ vụng về của tôi.
Tôi vẫn tiếp tục làm công việc bắt chữ. Nhưng sau đó còn kiêm luôn một công việc khác, khó khăn hơn, đó chính là bắt bông (nặn bông hồng, bông cúc…) và làm những chiếc bánh kem nhỏ để bán hàng ngày. Từ chỗ nghịch ngợm bắt chơi, thấy tôi làm được nên ngoại cho bắt luôn. Lúc đầu chỉ là bắt những con sò, con sao… sau đó đến bắt bông, bắt lá. Những chiếc bánh bán hàng ngày vốn dĩ không đòi hỏi phải quá đẹp và tỉ mỉ, những lúc bận rộn, ngoại giao hết cho tôi đảm trách. Bánh bông lan thì ngoại nướng sẵn, kem cũng đánh sẵn, tôi chỉ việc pha màu rồi ngồi làm. Công việc này thú vị vô cùng. Dần dần tôi sáng tạo ra đủ thứ kiểu trang trí cho chiếc bánh, tôi vốn là người khá sáng tạo nên chẳng khác gì là cá gặp nước. Khi tay nghề ổn định, ngoại cho tôi bắt bông cho những chiếc bánh sinh nhật, bánh cưới và trợ giúp ở những khâu nho nhỏ. Đến đây, tôi vô cùng thích làm công việc này, tôi có thể xem tới xem lui, nghiền ngẫm cuốn sách dạy bắt kem hoài mà không chán. Sau đó tôi bắt chước và sáng tạo theo cách của mình. Thỉnh thoảng tôi gợi ý cho ngoại về kiểu này kiểu nọ, tất nhiên chỉ là thỉnh thoảng. Có đi chơi đâu xa hay xem TV mà thấy kiều bắt lạ, kiểu bánh lạ là tôi nói với ngoại ngay. Tôi và ngoại đã “cộng tác” với nhau như thế.
Lúc này “danh tiếng” của tôi nổi lên như khinh khí cầu. Những lời khen tặng thậm chí càng gia tăng cấp độ. Tuy vậy không phải lúc nào tôi cũng toàn tâm toàn ý với những chiếc bánh kem. Những lúc bận đọc truyện hay ham chơi là sẽ có những chiếc bánh với những dòng chữ thấy gớm. Hay những lúc lười biếng, buồn chán thì sẽ có những chiếc bánh với những cái bông rũ rượi qua loa. Con nít mà lị.
Một bước ngoặt khác trong sự nghiệp làm bánh của tôi, chính thức trở thành “thợ làm bánh kem”. Ấy là khi bà ngoại bị lên máu và liệt nửa người, lúc ấy là sau Giáng sinh năm tôi đang học lớp 12. Hôm ấy là một ngày tôi không thể nào quên. Tối hôm trước tôi lên cơn sốt, sáng ra loạng choạng vào phòng vệ sinh và đùng một cái xỉu cái ành (cú xỉu đầu đời)! Sau khi được bà ngoại làm một màn cạo gió hoành tráng, tôi khỏe ra và đi học được. Nhưng đến khi tan học về tôi mới hay tin bà bị lên máu và đã nhập viện. Thật bàng hoàng, tối hôm trước bà đã cố gắng làm bánh kịp giao hàng để sáng nay về quê chơi, sự kiệt sức đã khiến bà ngã gục. Kể từ đó, chứng liệt nửa người khiến bà không bao giờ có thể làm bánh kem được nữa… Một thời gian sau đó, tủ bánh của bà được truyền lại cho mẹ tôi. Mẹ tôi cũng làm đủ thứ bánh như ngoại và bán hàng ngày, nhưng có một thứ bánh mà mẹ làm không khéo, đó chính là bánh kem. Cũng như trước đây, tôi phụ trách làm bánh nhỏ bán hàng ngày. Thế nhưng, do nhiều khách mối đặt làm bánh sinh nhật, bánh cưới vì không biết mà tìm đến nhiều quá, phần vì từ chối hoài thấy ngại, phần vì thấy làm loại bánh này cũng có lời nên mẹ quyết định tiếp tục. Vậy là từ giờ tôi trở thành thợ chính. Ban đầu chỉ là những chiếc bánh 1 tầng, sau là 2 tầng và thậm chí là 3 tầng. Phải nói là lúc đầu tôi sợ lắm, sợ làm xấu người ta chê, rồi ảnh hưởng đến danh tiếng của ngoại. Nhưng thiết nghĩ nó giúp được cho kinh tế gia đình và là dịp được mình thỏa sức làm những chiếc bánh của chính mình, nên tôi cũng “nhắm mắt làm liều”. Không ai làm tốt bất cứ điều gì trong lần đầu tiên, những chiếc bánh đầu tiên chỉ ở mức tạm được. Không ai phàn nàn (có thể có, nhưng thôi lỡ rồi, đành chịu) nên tôi cứ cố gắng mà làm. Lẽ dĩ nhiên, mẹ đâu có dám nói với khách hàng là những chiếc bánh của họ do một thằng con trai 17 tuổi làm ra, trừ ít người trong nhà, nếu không thì sẽ trở thành đại họa, dù là khía cạnh tích cực hay tiêu cực. Thế là tôi làm thợ bánh kem trong suốt nửa năm sau đó, mãi cho đến khi thi tốt nghiệp và đại học. Sau ngày tôi lên Tp HCM luyện thi và vào đại học, mẹ tôi chỉ làm bánh kem bán hàng ngày và chấm dứt nhận bánh kem luôn. Những chiếc khuôn, chiếc chuôi, chiếc khung chân, thùng bánh… được xếp góc và đi vào kỷ niệm từ ngày ấy cho đến nay…
Tôi với bánh kem có duyên và những kỷ niệm như thế. Trong suốt 6-7 năm, từ ngày còn vọc phá kem, đến ngày được bắt chữ, bắt bông cho đến khi làm được một chiếc bánh hoàn chỉnh, chưa bao giờ tôi thèm ăn cho đã đời một cái bánh nào đó. Cái tôi thèm chính là được nhìn một tác phẩm nghệ thuật bằng kem thật lộng lẫy. Tôi vô cùng ngưỡng mộ những người thợ bánh kem như bà ngoại, trong mắt tôi bà là nghệ sĩ. Đã có những lúc tôi thầm nhủ biết đâu mình đã có thể trở thành một thợ bánh kem… Có thể lắm chứ, vì tôi đã từng mà.
Tôi với bánh kem có duyên và những kỷ niệm như thế. Trong suốt 6-7 năm, từ ngày còn vọc phá kem, đến ngày được bắt chữ, bắt bông cho đến khi làm được một chiếc bánh hoàn chỉnh, chưa bao giờ tôi thèm ăn cho đã đời một cái bánh nào đó. Cái tôi thèm chính là được nhìn một tác phẩm nghệ thuật bằng kem thật lộng lẫy. Tôi vô cùng ngưỡng mộ những người thợ bánh kem như bà ngoại, trong mắt tôi bà là nghệ sĩ. Đã có những lúc tôi thầm nhủ biết đâu mình đã có thể trở thành một thợ bánh kem… Có thể lắm chứ, vì tôi đã từng mà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét